Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXVIII Mùa Thường Niên (Lc 11,42-46) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN TUẦN XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 11,42-46

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I : Gl 5, 18-25

Tự do mà Đức Giêsu ban cho nhưng không, chứ không do công phúc, sẽ ích lợi gì cho ta ? Không đưa đến sự dung túng, không đưa vào cảnh tự do sai lạc…còn xa !

Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc vào lề luật nữa.

“ Để mình được hướng dẫn”.

Trong những lời trên, mọi cái nghịch thường của tự do, của tình thương gượng ép, đều biến mất. Tôi không làm bất cứ gì : tôi để mình được hướng dẫn.

Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là : dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy.

Không phải vậy, thứ “tự do” của Đức Giêsu không phải là sự buông thả.

Cần phải đọc lại từng từ trên, để tự hỏi xem chúng ta có sai phạm các tính xấu này không ?

Tôi bảo trước cho anh em : những kẻ làm những điều đó sẽ không được thừa hưởng nước Thiên Chúa.

“Của thừa kế”.

Đúng như vậy : một tài sản được hưởng mà không cần công trạng, không nhờ may rủi, nhưng rất đơn giản chỉ vì là “con”.

Còn hậu quả của Thần Khí là : “ Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tín, khiêm nhượng, tiết độ…”. Đó là các “hoa trái của Thần khí”.

Ở đây nữa, cần phải đọc lại từng tiếng một.

Và cầu nguyện đơn sơ thế này :

“ Lạy Chúa, xin ban cho con tình mến, xin tạo nên tình mến trong con…”

“Lạy Chúa, xin ban cho con niềm hoan lạc, xin tạo nên niềm hoan lạc trong con…”

“Lạy Chúa, xin ban cho con trở nên lương thiện…”

Thực tế hơn, tôi nhìn ngay vào ngày sống của tôi, chắc chắn hơn, đúng như nó sẽ diễn ra : và tôi thử tiên liệu các cơ hội chắc chắn sẽ đến để được Thần Khí hướng dẫn, để nhờ Thần Khí ấy tạo nên niềm hoan lạc, sự bình an, lòng khiêm nhượng, sự tiết độ.

Các Kitô hữu, được Thần Khí thúc đẩy, được Đức Kitô cứu thoát, phải trở nên như đội tiền phong của nhân loại, một thứ men giữa lòng thế giới. Được cứu thoát khỏi ách nô lệ, thì phải diễn tả bằng cuộc đời thấm nhuần hoan lạc, hoà bình và phục vụ anh em : Phải là dễ nhớ và hấp dẫn !

Oi, lạy Chúa, chúng con còn xa các đức tính ấy quá : Xin tha cho chúng con.

chống lại các điều đó, thì không có luật. Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu, thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì hãy để Thần Khí hướng dẫn đời ta.

“ Những ai thuộc về “Đức Kitô”. Đó còn là một định nghĩa cơ bản của các Kitô hữu. Lời diễn tả duy nhất này nói lại một lần nữa là đời sống Kitô hữu trước nhất không phải là sự tuân giữ trọn vẹn các luật buộc..nhưng là cuộc sống với “người nào đó”, một bạn đồng hành với Đức Giêsu.

Và không phải đời sống buông thả nhưng là “ được hướng dẫn”, là kẻ hoạ lại dáng dấp của cảnh đóng đinh thập tự.

“Đóng đinh tính ích kỷ của mình”.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con được bắt chước Người.

Bài đọc II : Rm 2, 1-11

Hỡi con người kia, hễ ngươi xét đoán, thì ngươi không thể chữa mình được đâu vì ngươi xét đoán kẻ khác thế nào, thì người tự lên án mình như thế.

Sau khi mô tả sự suy thoái của dân ngoại, bây giờ Phaolô trình ab2y sự lầm lạc của người Do-thái. Bảng sơ phác sự thoái hoá mà cuộc sống vô thần đưa tới đen tối ( vì họ tự hạ giá mình) đến nỗi nhiều người, đặc biệt là các tín hữu ( Do-thái hay Kitô hữu HÔM NAY) bị cám dỗ để nói rằng : “Tôi, tôi không như những người đó”. Thánh Phaolô muốn mọi người, bất kể ai, biết ý thức về tình trạng tội lỗi căn cội của mình. Người tự mãn, tưởng rằng mình hoàn hảo, có khuynh hướng “xét đoán người khác” với sự cao ngạo của mình. Hỡi ơi, làm như vậy là người ta tự xử đóan mình, bởi vì nơi họ, họ cũng có những cội rễ của sự dữ. Mối liên đới sâu xa : Tất cả mọi người chúng ta đều là tội nhân.

Ngươi nghĩ rằng ngươi thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa được sao ? Hay là ngươi khinh thị lòng nhân hậu nhẫn nại và khoan dung của Người. Ngươi chẳng biết rằng lòng nhân lành của Thiên Chúa phải thối thúc ngươi hối cải sao ?

Sự trì hoãn của Thiên Chúa dành cho chúng ta trước khi phán xét chung phải nên dịp cho chúng ta “hối cải”. “Hối cải” ( metanoia), chính là sự thay đổi cõi lòng, là sự đổi thay cuộc sống : Đây nói về việc bỏ xa sự dữ để trở về với Chúa. Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa đã dành cho chúng con sự trì hoãn này. Xin cảm tạ vì sự nhẫn nại của Chúa đối với chúng con.

Thật bởi lòng ngươi chai đá không chịu hối cải, ngươi chỉ trích trữ cho mình cơn thịnh nộ trong ngày thịnh nộ, ngày sẽ tỏ ra thẩm phán công bình của Thiên Chúa. Đấng sẽ trả cho ai nấy tuỳ theo công việc họ đã làm.

Những lời mạnh mẽ này lấy lại những hình ảnh của Chúa Giêsu và của những bản văn Do-thái cùng thời với Chúa Kitô ; những tai hoạ dành cho những kẻ bất lương trong những ngày sau hết. Mà những tai hoạ này ở đây, được hứa cho chính những người Do-thái …theo mức độ, họ không chịu hối cải.

Phải dám suy niệm những lời này.

Thiên Chúa sau thời kỳ “nhẫn nại” của Người, sau khi “đã làm mọi sự” để cứu chúng ta …Người sẽ không thể “ thỏa hiệp với sự dữ”, nếu chúng ta cứng lòng ! Không phải Thiên Chúa kết án, chính con người cứng lòng sẽ gặt lấy theo công việc họ làm”. Do đó, phải suy nghĩ cách đúng đắn về sự tự do về định mệnh của chúng ta.

“ Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con”.

Hễ những ai tìm kiếm vinh quang, danh dự và ơn bất tử thì sẽ được sống đời đời, còn những ai ương ngạnh không chịu vâng phục chân lý…thì sẽ gặp cơn thịnh nộ và giận dữ.

Người sẽ bắt mọi kẻ làm điều ác phải gian nan khốn khổ, trước là người Do-thái sau là người Hy lạp. Nhưng Người sẽ ban vinh quang, danh dự và bình an cho tất cả những ai làm điều thiện, trước là người Do-thái sau là người Hy lạp, vì Thiên Chúa không thiên vị ai.

Nơi Thiên Chúa không có sự thiên vị. Không có dân được ưu đãi. Không có người được ưu đãi. Mọi người sẽ bị phán xét theo thực chất của họ, về điều họ sống. Khi mọi người Do-thái nghĩ tới sự phán xét, hẳn họ thấy mọi người Do-thái được cứu và mọi lương dân bị luận phạt.

Thánh Phaolô dám nói điều ngược lại. Lương dân có thể được cứu rỗi. Và trong đoạn văn tiếp theo ( Rm 2, 14-15) Phaolô cung c6áp cho lương dân cách cứu chữa mình “ theo lương tâm”, “luật được ghi trong lòng họ”.

Tôi lại không có khuynh hướng coi mình như một kẻ được đặc ân ? tin rằng phần rỗi của tôi đã chắc ăn ? đoán xét người khác quá khe khắt ? Thấy sự dữ nơi họ ? Mà không thấy sự dữ nơi mình ?

Lạy Chúa, xin cho con thấy nỗi khốn khổ của con, cho con thông suốt hơn. Con nhận biết tội con. Con phó thác cho lòng nhận hậu của Chúa.

BÀI TIN MỪNG: Lc 11, 42-46

Những lời chúc dữ chống lại nhóm Pharisêu mà ta sắp suy niệm hôm nay và ngày mai, ta đã gặp trong Matthêu 23, 23 ( thứ ba trong tuần XXI thường niên ). Giáo hội trình bày trước mắt ta lần thứ hai, để nội tâm hoá chúng ta, bằng cách áp dụng cho chính ta, chứ không chỉ áp dụng cho kẻ khác.

Khốn cho các ngươi, hỡi các người Pharisêu !

Đức Giêsu phán lời đó tại chỗ nào ?

Người đã nói điều đó chỉ một lần, hay nhiều lần ?

Matthêu minh nhiên cho rằng, Đức Giêsu đã công bố những lời lăng mạ này trước quảng đại quần chúng, trước đám đông ( Mt 23, 1).

Trái lại, Luca có vẻ ám chỉ, Chúa đã nói điều đó tại nhà người Pharisêu đã mời Người tới dự tiệc. Ta cũng biết rằng, các tác giả cổ xưa được tự do sử dụng các chất liệu lịch sử cách phóng khoáng, khi họ ghi chép lại. Và đ8ạc biệt, các thánh sử đã sử dụng rộng rãi cách thức “ gom tụ lại”. Ở đây, trong bữa ăn tại nhà người Pharisêu, Luca đã có thể thu gộp các câu chuyện trên, thực tế đã được kể ở chỗ khác.

Tuy nhiên, ta nên theo ý của Luca để chiêm ngưỡng một lát : Đức Giêsu cũng đang thực thi công tác Tông-đồ cá biệt.

Đức Giêsu yêu thương nhóm Pharisêu. Người không thể không có ý định cứu giúp họ khỏi tính đạo đức giả…

Được mời đến nhà một người trong nhóm họ, Đức Giêsu hiện diện tại bàn tiệc và lặp lại với “ người đó” điều mà Người đã công bố trước quần chúng. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con biết thể hiện tình yêu thương với hết mọi người.

Lạy Chúa, chúng con xin cám ơn Chúa vì đã yêu thương chúng con, cho dù chúng con thế nào đi nữa…cho dù tinh thần Pharisêu ở trong chúng con …ở trong con đây.

Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ, mà coi thường công lý và lòng yêu mến Thiên Chúa.

Lạy Chúa thật đúng vậy ! Chúng con cũng thường quá coi trọng những chi tiết nhỏ bé, mà bỏ qua những bổn phận quan trọng lớn lao hơn :

1. “công lý”…đó là những “quyền lợi” của anh em con trên con !

2. “Lòng yêu mầu nhiệm Thiên Chúa”…nghĩa là điều mang lại giá trị cho các cử chỉ bên ngoài.

Phải, thay vì quá chú ý đến việc nhỏ mọn tầm thường, có lẽ phải quan tâm thật kỹ tới hai điểm chính yếu nêu trên.

Phải làm các điều này, mà không được bỏ qua các điều kia.

Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn những bổn phận “nhỏ mọn”, cũng như những bổn phận “lớn lao” của con.

Khốn cho các ngươi, hỡi những người Pharisêu ! các người thích ngồi ghế đầu trong hội-đường thích được người ta chào hỏi ngoài đường phố.

Chính tôi, tôi không ham thích được danh dự, được kính trọng đó sao ? nơi bản thân tôi, tính kiêu căng này thường mang dạng thức nào ? quả quyết mình có lý ? Muốn dẫn dụ người khác suy tưởng như tôi ? và có cả ngàn cách tinh vi để muốn “ngồi ghế đầu!”.

Một trong số những nhà thông luật lên tiếng nói : “ Thưa Thầy nói như vậy là làm nhục cả chúng tôi nữa !”. Đức Giêsu nói : “Khốn cho cả các người nữa, hỡi những nhà thông luật ! các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

Đúng, chính tôi chất gánh nặng trên vai kẻ khác đó sao ?

Một lần nữa, Đức Giêsu bênh vực những người bé mọn, nghèo hèn, những kẻ không chu toàn nổi tất cả “lề luật” của những người thông luật, những kẻ chuyên môn về Luật, những kẻ biết mọi sự. Tôi có tỏ lòng xót thương đối với kẻ có tội không ? đối với biết bao người không biết nhiều về những đòi hỏi của Thiên Chúa không ?

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Đức Giêsu khiển trách những người Pha-ri-sêu về tội giả hình

HÒAN CẢNH :

Sau khi Đức Giêsu lên tiếng khiển trách các pha-ri-sêu về tội vụ luật, hình thức (37-40); bây giờ Người vạch ra tội giả hình của họ.

Ý CHÍNH:

TÌM HIỂU:

42-44"Khốn Cho Các Người …"

- Quá lo đến hình thức lễ nghi mà bỏ mất tinh thần bên trong (11,42): vụ hình thức.

- Hay khoe khoang tự đại (11,43): háo danh.

Hay giả hình (11,44):không thành thật.

Ơ đây luca cho thấy thái độ bưng bít của nhóm pharisêu, còn Mt 23,27 cho thấy nét tương phản rõ rệt giữa vẻ đẹp bên ngoài xấu xa bên trong các mồ mả.

45" Một người trong số các nhà thông luật…":

Nghe Đức Giêsu nói , một luật sĩ đang hiện diện lên tiếng phản kháng, vì nhóm biệt phái và luật sĩ cùng chung một mục đích là chống đối Chúa.

46"Đức Giêsu nói…":

Thấy thái độ bất bình của các luật sĩ, Đức Giêsu lại hướng về họ để khiển trách về tội mô phạm giả hình. Chúa khiển trách các luật sĩ ba điều , nhưng bài Tin Mừng hôm nay chỉ ghi lại điều thứ nhất là "họ đặt gánh nặng trên vai của người ta mà chính họ không động tay đến!"các luật sĩ có trách nhiệm bảo vệ toàn bộ luật lệ Do Thái; nhưng họ lại thêm thắt vào các luật đó nhiều điều cấm kỵ tỉ mỉ, khiến trở thành gánh nặng cho người giữ luật ; đang khi đó thì chính họ lại không tuân giữ. Dễ với mình nhưng lại khó với người !

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :

1. Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta từ bỏ lối sống giả hình, thiếu thành thực, để sống chân thành với Chúa, ngay thẳng với anh em và cả chính mình nữa.

2. Chúa khiển trách các Pharisêu về tội quá lo đến hình thức lễ nghi mà bỏ mất tinh thần bên trong. Cũng vậy, Chúa khiển trách chúng ta trong những việc đạo đức, chỉ chú về hình thức, đủ việc đủ giờ , nhưng đời sống lại thiếu công bằng với tha nhân, và lòng mến Chúa yêu người.

3. Chúa khiển trách các người pharisêu về tội hay khoe khoang tự đại, Chúa cũng khiển trách chúng ta về tội háo danh, tham địa vị tính hay khoe khoang và tự đắc t4ong đời sống xã hội cũng như tôn giáo.

4. Chúa khiển trách những người pharisêu về tội bưng bít giả hình, Chúa cũng khiển trách chúng ta về tội giả hình, vì thiếu thành thực và không có sự ngay thẳng trong công việc và trong cách xử thế.

5. Khi Cerf trách nhiệm lãnh đạo, chúng ta thường nảy sinh ra sự háo danh hơn là phục vụ, đòi hỏi người khác hơn là ý thức trách nhiệm của mình và thích hưởng thụ hơn là phục vụ. Lời Chúa hôm nay nhắc nhủ chúng ta : ai muốn làm lớn thì hãy phục vụ anh em, ai muốn làm đầu thì hãy làm đầy tớ anh em./.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.